Cây Mộc Tặc (Cây Cỏ Tháp Bút)
Nhóm cây : | Cây ngoại thất, Cây thuốc, Cây thân thảo |
---|---|
Có thể bạn sẽ thích : | |
Xem: Hỏi đáp, đố vui, truyện cười - ngụ ngôn |
Cây mộc tặc còn có tên khác là Tiết cốt thảo, Mộc tặc thảo, Bút đầu thái, Cỏ tháp bút, Búa lọ phì nọi (Thái). Cây mộc tặc có danh pháp khoa học là Equisetum debile Roxb., thuộc họ Mộc tặc (Equisetaceae).
Cây mộc tặc là cây thảo, sống lâu năm, có thể cao đến 1m. Thân rễ dài, chia đốt, mọc bò ở dưới mặt đất. Thân cây mọc đứng, hình trụ rỗng (trừ các mấu), có nhiều khía rãnh dọc, mang phần sinh sản (hữu thụ) và phần không sinh sản (bất thụ). Phần không sinh sản có thể dài đến 20cm, chia thành từng dóng, có rãnh dọc; ở mỗi mấu có một vòng lá rất nhỏ dính liền nhau ở gốc thành bẹ hình ống, phía trên ống chia răng mầu nâu, ứng với số rãnh của dóng. Phần sinh sản gồm túi bào tử mọc ở mặt dưới những lá biến đổi thành vẩy. Các vẩy này tụ họp thành bông thuôn ở ngọn thân, nom như đầu nhọn của chiếc bút lông. Bào tử hình cầu. Mùa sinh sản: tháng 10-12.
Dược liệu: Cây mộc tặc gồm nhiều đoạn thân và cành hình ống dài 7 - 15 cm, có khi tới 30 cm, đường kính 0,1 - 0,2 cm, màu nâu sẫm. Cành màu lục nhạt, hơi vàng hay xám tro, có nhiều rãnh dọc song song, mỗi rãnh này ứng với 1 lỗ khuyết trong phần vỏ. Cành chia thành nhiều đốt. Mỗi mấu mang một vòng lá nhỏ, hình sợi màu nâu, dẹt ở gốc và dính liền nhau thành một bẹ màu lục nhạt, có răng cưa ôm lấy cành. Thường lá dạng sợi rụng đi chỉ còn bẹ. Ở mỗi mấu có nhiều nhánh con mọc vòng, gốc mỗi nhánh con có 1 bẹ hình ống ngắn, màu nâu. Chất giòn, dễ bẻ gẫy. Mặt ngoài cành sờ ráp tay do biểu bì có chất silic. Bẻ đôi cành thấy gióng rỗng, mấu gần đặc.
Bộ phận dùng: Phần trên mặt đất đã phơi hay sấy khô của cây Mộc tặc (Herba Equiseti debilis)
Phân bố: Cây mộc tặc thường gặp ở các tỉnh miền núi và trung du, mọc thành đám nhỏ ở đất, dọc theo bờ suối, bờ ruộng nước sát chân núi.
Thu hái: Thu hoạch vào mùa hạ hoặc thu. Cắt lấy phần trên mặt đất, loại bỏ tạp chất, phơi âm can đến khô.
Thành phần hoá học: Trong Mộc tặc có các Acid Silixic, chất béo, phytosterol, acid equisetic, chất saponin gọi là equisetonin, các chất alcaloid equisetin và nicotin, palustrin, 3-methoxypyridin ngoài ra còn có equisetrin và Isoquevitnin.
Công năng: Tán phong nhiệt, trừ mắt có màng (thoái ế), lợi tiểu, làm ra mồ hôi.
Công dụng: Mắt đỏ phong nhiệt, ra gió chảy nước mắt, mắt kéo màng.
Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng 4 - 12g kết hợp với thuốc khác, dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán.
Bào chế: Loại bỏ tạp chất còn sót lại, phun nước, ủ cho hơi mềm, cắt đoạn, phơi âm can đến khô.
Bài thuốc:
1. Chữa viêm kết mạc cấp (do phong nhiệt làm mắt sưng đỏ mờ): Mộc tặc 8g, Cúc hoa 12g, Bạch tật lê 12g, Quyết minh tử 12g, Phòng phong 8g, sắc nước uống. Bài này gia thêm Thương truật, Hạ khô thảo chữa viêm tuyến lệ cấp.
2. Chữa phù trong viêm cầu thận cấp, phù cước khí: Mộc tặc thảo 15g, Phù bình 10g, Đậu đỏ 100g, Hồng táo 5 quả, cho vào 600ml, sắc còn 200ml nước uống.
3. Chữa chứng chảy máu: Ngoài ra có người còn dùng Mộc tặc chữa chứng chảy máu do trĩ, chảy máu đường ruột, sa trực tràng, xích lỵ, mộng thịt ở mắt.
4. Chữa băng huyết, rong huyết kéo dài hoặc đã mãn kinh mà còn rong huyết: Mộc tặc 20g, sao sắc uống.
5. Chữa viêm gan, đái vàng thẫm, viêm thận, viêm bàng quang đái đỏ, hoặc đái ra sỏi: Mộc tặc, Mộc thông, Mã đề (hạt hay lá bông Mã đề), Sinh địa, Cỏ xước hay Ngưu tất, rễ cỏ Tranh, mỗi vị 15g, sắc và uống với bột Hoạt thạch 15g chia làm 3 lần.
6. Chữa đái ra cặn trắng: Mộc tặc, rễ Mía dò, mỗi vị 12g, sắc uống.
Kiêng kỵ: Âm hư, hỏa vượng, không có phong hàn không nên dùng.
Một số hình ảnh tham khảo của cây mộc tặc:
Xem thêm
Bình luận trên facebook