Non bộ - những yếu tố cơ bản
Trong các lập vườn cảnh, hòn non bộ cũng là một trong những thể tài quan trọng và được truyền tụng từ ngàn năm lại đây. Non bộ còn được gọi là "núi giả" (giả sơn) hay "bồn cảnh", vì thông thường khi nào tạo non bộ cũng dựng trên bể nước (nước lưu thông hoặc nước đứng).
Hòn non bộ
Giới thiệu về non bộ
Non bộ cũng như vườn hoa giúp cho chúng ta yêu thích cảnh vật, thiên nhiên, tạo niềm vui, tâm hồn bình thản, giáo dục về thẩm mỹ. Cả một tập hợp những giá trị tinh thần trong thú chơi non bộ. Trong các lập vườn cảnh, hòn non bộ cũng là một trong những thể tài quan trọng và được truyền tụng từ ngàn năm lại đây. Non bộ còn được gọi là "núi giả" (giả sơn) hay "bồn cảnh", vì thông thường khi nào tạo non bộ cũng dựng trên bể nước (nước lưu thông hoặc nước đứng).
Đá và non bộ
Theo Lâm Ngữ Đường thì: "Đá tượng trưng cho sự trường thọ, mà người Trung Quốc thì lại yêu tất cả cái gì trường tồn. Thứ nhất là về phương diện nghệ thuật, nó có vẻ khôi vĩ, hùng kỳ, chanh vanh, cổ nhã. Một mỏm đá cao cả trăm thước dựng đứng trên mặt đất, nhìn nó ai mà không rùng rợn, như trước cảnh nguy hiểm, cho nên người Trung Hoa gọi đó là "nguy".
Người chơi đá thường chú ý đến màu sắc, vân, mắt đá (mịn hay không mịn) và có khi cả tới tiếng kêu khi gõ vào đá nữa. Đá càng nhỏ thì lại càng chú ý đến cái vân và cái mặt mịn của nó. Nhiều người thu thập loại nghiên mực và con dấu bằng đá, thành thử nghệ thuật chơi đá càng phát triển thêm".
Người Trung Quốc, Nhật Bản cũng như Việt Nam trong khi bố cục cây cảnh Bonsai thường nhìn sự vật với con mắt tín ngưỡng. Cơ cấu đối với người xưa không ngoài ngũ hành: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Việc cấu tác non bệ chính là thể hiện toàn vẹn các nguyên khí đó được thu tóm trong một khung khổ nhỏ.
Người xưa hướng về việc dựng non bộ chẳng chỉ vì hình thái kết tinh của hòn đá với óc thẩm mỹ của họ, mà còn có ý nghĩa thần linh nữa. Những người chơi non bộ, chơi đá thích những loại đá vôi ở gần bờ, bị sóng gió dập vùi lâu ngày thành có lỗ, có bọng, ngấm nước đóng rêu hơn là viên đá tròn trịa. Ở Trung Quốc, có một số đá đẹp, danh tiếng, thường ghi trong sử sách hay của những người chơi cổ ngoạn như loại đá Côn Sơn, đá Linh Bích, đá Quế Xuyên, đá Thái Hồ, đá Anh, đá Dung, đá Xuyên... Nổi tiếng hàng đầu là đá Linh Bích ở Sơn Tây. Một khối đá cần gây được cảm giác hùng vĩ, bất tục, nhưng các đường nét của nó cũng phải có "thế", trông tự nhiên, chứ không phải là hình tròn hay hình tam giác.
Trong Đạo Đức Kinh, Lão Tử thường xưng tán những thứ đá quý không đục đẽo. Tuyệt nhiên không nên tô điểm thiên nhiên, và nghệ thuật hoàn toàn nhất thì không để lộ một chút gắng sức nào của nghệ sĩ, phải tự nhiên như mây bay, nước chảy, không có vết đục đẽo nào cả, như các nhà phê bình Trung Hoa thường nói. Quy tắc đó áp dụng cho tất cả các thể loại nghệ thuật. Cái đẹp của đá phải linh lung, hoạt bát, biến đổi. Hầu hết các giả sơn đều dùng những phiến đá không đục đẽo. Vườn hoa là sự thể hiện một cảnh lý tưởng, còn hòn non bộ là sự thu nhỏ lại cảnh núi rừng. Cảnh đó có thật hay chỉ trong tưởng tượng.
Hòn non bộ
Thông thường khi dựng hòn non bộ phải trải qua 3 giai đoạn: (1) Chọn đá thích hợp cho thể tài của mình đã phác họa và xây dựng một hình thế đẹp và hợp với nội dung non bộ. (2) Phải trồng và sửa cây cho tương xứng. (3) Gắn những hình tượng bé để diễn tả một sự tích nào đó như đã hoạch định.
Trước hết là vấn đề chọn đá. Đá phải là một thứ đá vôi hút nước, có hình thể nhất định. Trong thực tế, để diễn tả cho đúng sự thật thì non bộ thường là những đỉnh núi cao chót vót với những tảng đá nhô ra, có gân dọc trên vách đá dựng đứng, bên cạnh những hố sâu thăm thẳm, có hang, có động, tất cả đều nói lên vẻ lớn lao, nguy nga với con người.
Người chơi non bộ thường phải chọn hòn đá nào hợp với kích thước nhỏ bé, mà lại có đủ dáng dấp và chi tiết như thế (núi, hố, hang, động). Phải ghép nhiều mảnh lại mới được.
Trong thể loại điêu khắc này, người ta không cần thiết đục đá theo hình dáng đã định trước vì chúng có thể làm mất vẻ tự nhiên và mặt đá mà chắc nịch thì cỏ cây, rêu xanh khó mọc lên được.
Các thế của non bộ:
Nghệ nhân non bộ Việt Nam có một số "thế" cổ truyền do người xưa để lại. Người ta thường theo toàn bộ hay chỉ một phần của những "thế" đó. Một số thế điển hình như: thế cao sơn, thế viễn sơn, thế kỳ phong, thế bích lập, thế hạc phong, thế huyền nham, thế nghênh tống. Ở Trung Quốc, Bạch Cư Dị sưu tầm 108 thế khác nhau, làm nền tảng nghệ thuật xây dựng cảnh quan non bộ của Trung Quốc thời xưa.
Muốn bố cục cho đẹp, nghệ nhân phải theo những nguyên tắc căn bản của nghệ thuật tạo hình, tức là toàn bộ phải chặt chẽ, có trọng tâm, cân đối, có gần, có xa. Phải có chủ thể và khách thể. Chủ thể làm điểm chính; khách thể để phụ họa. Núi cao dùng làm chủ thể, núi thấp ở xa làm khách thể, tạo nên phép viễn cận. Thiền phái Nhật lại còn đề ra những khoảng trống hư vô. Tuy là trống nhưng thể hiện nhiều điều.
Trung Hoa có 3 trường phái non bộ: trường phái tự nhiên, trường phái Lão Trang, trường phái Thiền. Cả ba đều lấy hình thể non bộ làm chuẩn. Theo nhận định của ba trường phái đó, trước hết, nhắm vào chủ thể (hòn chủ). Hòn chủ phải có hình thế nguy nga, đứng sừng sững như một vách đá khổng lồ đối với mọi vật chung quanh. Đó là "bích lập" tức là "bức tường đứng".
Đá có nhiều thế khác nhau. Đỉnh núi có những tảng đá nhô ra như được treo giữa chừng giống mái nhà, gọi là "huyền nham"; có nhiều đỉnh nhọn gọi là "tung nham", đỉnh đột khởi gọi là "kích nham". Chú trọng đến vách núi. Vách không được nhẵn nhụi trơn tru như bức tường. Phải có những "gân" dọc nổi lên mới diễn tả được cái hùng vĩ của thiên nhiên. Phía dưới chân núi cũng phải cân nhắc. Mặt đất không phải trơn tru, nhẵn nhụi, bằng phẳng, trông giả tạo. Phải có chỗ lồi, chỗ lõm do đá núi đổ xuống mà thành. Đó là "lạc thạch". Có lạc thạch, mới thấy được vẻ thương hải tang điền. Núi nào cũng có khe, có suối, có hang động, chẳng khác nào mạch máu của sinh vật, tạo sinh động.
Trên đây là đại cương về "thế". Tuy nhiên những "thế" của non bộ được đề ra chỉ giúp cho nghệ nhân chú ý đến những điểm cơ bản trong nghệ thuật non bộ, vấn đề quan trọng nhất đối với họ vẫn là nghiên cứu thiên nhiên vô cùng phong phú, sinh động, để tạo ra những mẫu non bộ độc đáo, xuất sắc. Những đề tài cổ điển về lịch sử, về tôn giáo dùng làm nội dung xây dựng non bộ chung quy chỉ có được một số thể tài nhất định, còn những tác phẩm đầy sáng tạo của nghệ nhân mới có thể làm cho tác phẩm phong phú.
Hòn non bộ
Cây và non bộ:
Cây trồng tạo cho non bộ gần với sự thật vì vậy cần chọn cây tương ứng với non bộ. Trong quá trình cấu tác non bộ được đẹp, độc đáo, điểm chủ yếu là trồng cây, cắt xén, gắn tượng. Tất cả tạo nên nội dung của đề tài.
Việc trang điểm này chẳng khác là khoác y phục cho con người. Bí quyết đầu tiên về cây trồng cho non bộ là thuật làm cho cây bé nhỏ, cân xứng với kích thước của non bộ. Một cây nhỏ trong non bộ biểu hiện cho cây cổ thụ trong thực tế. Giảm chiều cao để nở chiều rộng, để cho cây không quá trẻ trung, non dại quá. Phải biết kỹ thuật trồng sửa cây cảnh, chọn cây có lá nhỏ bé, dáng đẹp, thân uốn, sao cho thích hợp với toàn cảnh.
Những cây thường trong non bộ là: La hán tùng, bách xỉ tùng, trắc bá diệp, cây si, cây sung, bạch đầu ông, hổ nhĩ, thạch xương bồ, trân châu thảo, trường sinh, phượng vĩ, sa kê, dương liễu, ngự sử mai, trúc nhĩ, thủy tùng trúc, thiên vân, xương rồng, bông nổ, kê ốc, hồng tỷ muội, rong cẩm vân, xương cá, cây sến. Những cây này có hình dáng đẹp mà có thể sống dễ dàng trên khe đá. Những loại cây trồng trên non bộ thay đổi tùy theo phong thổ của từng vùng. Sự chọn lựa cây trồng non bộ cũng tùy thuộc vào sở thích của nghệ sĩ và nội dung của non bộ được đề ra, dựa theo hình dáng của đá.
Trong việc xây dựng non bộ, việc chọn cây trồng và cắt tỉa cây trồng phải lưu ý chọn loại cây thích hợp. Có những hòn non bộ do trồng một cây không thích hợp nên phải loại bỏ. Chẳng hạn trong hòn non bộ chiều cao độ năm sáu phân tây mà lại trồng những cây to lá, thân khỏe, như cây đề, cây đa, thì chẳng những lá to đã không phù hợp với hình thế của non bộ, mà trong một thời gian không lâu, cây phát triển lên cao, rễ cây sẽ bao trùm cả hòn non bộ.
Tượng và non bộ
Gắn những tượng nhỏ bằng sành sứ cũng không thể thiếu trong một non bộ hoàn chỉnh.
Về phương diện nghệ thuật thì màu tươi sáng của những tượng này trên nền xanh thẫm của lá cây và rêu đá sẽ làm cho sắc thái non bộ thêm phong phú. Những pho tượng sành bé nhỏ trên bức tượng cũng như nhân vật trong một bức tranh phong cảnh, giúp cho tác phẩm thêm phần sinh động hơn. Trước đây những nghệ nhân chơi non bộ cũng như những người nghệ nhân tranh dân gian thường lấy những sự tích trong lịch sử hay huyền thoại Trung Quốc.
Nội dung những non bộ thường được chia ra làm hai loại: loại thứ nhất lấy sự tích phổ biến của lịch sử tiểu thuyết Trung Quốc (Tam Quốc Chí, Đông Chu Liệt Quốc) hay những danh lam thắng cảnh Trung Quốc (Động Đình Hồ, núi Nga Mi, núi Phổ Đà...); loại thứ haicó tư tưởng Lão Giáo hay Phật Giáo lấy tên núi thần thoại đặt tên non bộ như Bồng Lai, Phương Trượng, Doanh Châu… Trong những núi thần thoại này có những hang động lấy tên theo truyện Tiên, truyện Phật như Tăng Tiên Động, Quan Âm miếu, Lôi Tổ...
Bồn nước và non bộ:
Đây cũng là phần không thể thiếu của non bộ. Người Trung Quốc gọi là bồn cảnh. Nước tạo thêm tính sinh động của non bộ. Quả núi ở non bộ theo quan niệm của người xưa, tượng trưng cho thế giới; bồn nước tượng trưng cho bể cả vô tận; thành thử để tượng trưng cho cái vô tận của bể khơi, bồn nước thường có hình tròn. Một non bộ thiếu săn sóc một thời gian không lâu thì sẽ khô héo nếu gặp mùa hạn hán; còn săn sóc không đúng cách thì cây cối mọc lên um tùm, cảnh trí cũng sẽ biến dạng. Có những loại cây như cây si có thể bắt rễ đến chỗ đất tốt, phát triển khỏe, sẽ làm hỏng cái hay đẹp của non bộ.
( Nguồn : Sưu tầm )
Bình luận trên facebook