Cây Bàng Vuông
Nhóm cây : | Cây ngoại thất |
---|---|
Có thể bạn sẽ thích : | |
Xem: Hỏi đáp, đố vui, truyện cười - ngụ ngôn |
Cây bàng vuông hay còn có tên gọi khác là Bàng bí, Chiếc bàng; có tên khoa học là Barringtonia asiatica (L.) Kurz, (1877) hoặc Mammea asiatica L. (1753). Tên cây tuy có từ ‘Bàng’ (vì lá gần giống lá Bàng) nhưng không có họ hàng với cây Bàng (Terminalia catappa L.), mà thuộc họ lộc vừng (Lecythidaceae), bộ lộc vừng (Lecythidales) thường được trồng để tạo bóng mát ở các vùng ven biển và hải đảo.
Cây bàng vuông là loại cây gỗ nhỡ, cao 10-18m, đường kính thân 30-50cm. Lá đơn, mọc cách, thường tập trung ở đầu cành, phiến lá hình trứng ngược, dài 20-30cm, rộng 10-18cm, cuống lá rất ngắn, lá non màu đồng thiếc, rụng lá vào mùa đông. Cụm hoa là chùm dài 10-20cm, ở đầu cành. Hoa lưỡng tính, màu trắng, thường nở vào ban đêm, cuống hoa dài 3,5-4cm, gốc cuống có một lá bắc nhỏ. Lá đài 2, màu xanh lục, dài 3-3,5cm, rộng 3,8-4cm. Cánh hoa 4, không bằng nhau, dài 5-7cm, rộng 2,5-3cm, hình lòng thuyền, đầu tròn hoặc có mũi tù. Rất nhiều nhị, khoảng 250-300 nhị, chỉ nhị mảnh, dài 8-10cm, bao phấn màu vàng, đính gốc. Bầu dưới, dài 1,2-1,4cm, đường kính 1,4-1,7cm, mặt cắt ngang hình vuông, có 4 ô; vòi nhụy dài 11-13cm. Quả khô, hình chiếc đèn lồng 4 cạnh (vì vậy mà có tên là Bàng vuông), đôi khi 5 cạnh, đường kính 7-10cm, mang đài và vòi tồn tại, vỏ ngoài nhẵn, vỏ quả giữa là lớp xơ xốp, vỏ quả trong dày, cứng, bao bọc một hạt có đường kính 4-5cm. Quả chín có màu nâu, phát tán bằng cách trôi nổi trên biển, nó có thể trôi nổi trong nước biển đến 2 năm mà không bị hỏng. Cây cho gỗ tốt, màu đỏ. Mùa hoa tháng 3-5, mùa quả tháng 10-12. Tái sinh bằng hạt.
Cây bàng vuông đã được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam (2007), mức độ đe dọa: bậc R (hiếm)
Cây Bàng vuông có sức sống mãnh liệt ở những nơi có môi trường sống khắc nghiệt, một loài cây đặc thù tạo màu xanh cho đảo. Nóthường mọc ở rừng ngập mặn ven biển nhiệt đới và các đảo ở Ấn Độ Dương và tây Thái Bình Dương, từ Zanzibar tới Philippin, Fiji, New Caledonia, Australia. Cây cũng thường gặp trong các rừng đước ở Malaysia.
Ở Việt Nam, Bàng vuông mọc ở ven bờ biển Quảng Ngãi (Lý Sơn: Cù Lao Ré), Khánh Hòa (Nha Trang), đảo ven bờ như Cồn Cỏ (Quảng Trị), đảo xa bờ như Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Thổ Chu, Phú Quốc: Hòn Thơm (Kiên Giang) và quần đảo Trường Sa (TrườngSa Lớn, Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn, Sinh tồn Đông, Song Tử Tây...) thuộc tỉnh Khánh Hòa. Cây cũng được trồng để tạo bóng mát ở các vùng ven biển và hải đảo.
Hạt Bàng vuông chứa các saponin, terpenoid, tinh bột, dầu béo khoảng 2,5%, acid gallic 0.54% và một glucosid là barringtonin 3.27% (Chopra và cs., 1958). Hai saponin chủ yếu được chiết tách bằng methanol là oleanan glycosid và ranuncosid, đã được xác định là hoạt chất chính có tác dụng sinh học (Burton và cs., 2003). Chất chiết trong cồn methanol của tất cả các phần của cây Bàng vuông (lá, quả, hạt, thân, rễ) đều có tác dụng kháng khuẩn (cả gram dương và gram âm) và kháng nấm. Ở Philippin, người ta dùng lá sắc uồng trị bệnh đau dạ dày và thấp khớp. Có tác giả đã chứng minh hoạt chất trong hạt Bàng vuông có tác dụng trị giun và chữa u bướu. Ngoài ra, hạt Bàng vuông xay thành bột để duốc cá, làm cho cá bị ngạt, nhưng không ảnh hưởng tới thịt cá. Dầu hạt để thắp sáng. Tết đến, khi thiếu lá dong, bộ đội ta đóng quân trên quần đảo này đã dùng lá Bàng vuông để gói bánh chưng.
Đây là một cây thuốc mới ở Việt Nam, chưa có kinh nghiệm sử dụng. Căn cứ vào các thông tin trên, khi cần thiết có thể đun nước đặc lá Bàng vuông để rửa các vết thương nhiễm trùng và trị bệnh nấm ngoài da. Các công dụng nói trên cần được các nhà Dược học kiểm chứng lại.
Một số hình ảnh tham khảo về cây bàng vuông:
Xem thêm
Bình luận trên facebook