Cây Thường Sơn
Cây thường sơn hay còn gọi là: cây khởi tía, cây tê quân, cây nam thường sơn, cây bạch thường sơn, cây thường sơn tía, cây hoàng thường sơn, cây thực tất, cây áp niệu thảo, cây kê niệu thảo.Tên khoa học của cây thường sơn: Dichroa febrifuga Lour., họ Tú cầu (=họ Thường Sơn-Hydrangeaceae). Cây thường mọc trong rừng, khe suối, bên lề đường, là cây thuốc quý trong dân gian chữa được khá nhiều bệnh, đặc biệt là bệnh sốt rét.
Cây thường sơn là một loại cây nhỡ cao 1 - 2m, thân rỗng, dễ gãy, vỏ ngoài nhẵn màu tím. Lá mọc đối, hình mác hai đầu nhọn, dài 13 - 20cm, rộng 35 - 90mm, mép có răng cưa mặt trên xanh, mặt dưới tím đỏ, gân tím đỏ, không có lông hoặc hơi có lông. Hoa nhỏ màu xanh lam hay hồng, mọc thành chùm nhiều hoa mọc ở kẽ lá hay đầu cành. Quả mọng, khi chín màu xanh lam, đường kính 5mm, một ngăn, hạt nhiều nhỏ hình lê, có mạng ở mặt dài không đầy 1mm.
Rễ cây thường sơn: hình trụ, cong queo, dài 10 - 30 cm, đường kính 1 - 2 cm. Mặt ngoài vàng nâu hoặc nâu xám có các vết dọc và vết của rễ con, có chỗ vỏ bị tróc ra, để lộ gỗ màu vàng nhạt, trên cùng còn vết gốc thân. Vị này rắn chắc như xương nên còn gọi là kê cốt thường sơn. Mặt cắt ngang có màu vàng nhạt, tia gỗ hình nan hoa màu trắng. Trong thân rễ có tủy màu trắng hoặc rỗng. Không mùi, vị hơi đắng.
Cây Thường Sơn mọc hoang rất nhiều ở các tỉnh miền rừng núi nước ta: Bắc Cạn, Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang, Hòa Bình, Hà Tây... Cây thường mọc trong rừng, khe suối, bên lề đường.
Ở Trung Quốc cũng có mọc hoang và được trồng để lấy rễ và lá dùng làm thuốc và xuất khẩu. Thu hái rễ vào tháng 8 – 10, đào về rửa sạch đất, cắt bỏ rễ con rồi phơi hay sấy khô. Có thể tẩm rượu 2 – 3 giờ, sao vàng hoặc chưng với rượu.
Nếu dùng lá hái quanh năm nhưng tốt nhất lúc cây sắp và đang ra hoa. Hái về rửa sạch, phơi khô. Có thể dùng tươi.
Theo tài liệu cổ thường sơn vị đắng, tính hàn, có độc, thục tất vị cay, tính bình có độc. Vào 3 kinh phế, tâm và can. Có tác dụng thổ đờm, triệt ngược, thanh nhiệt hành thủy. Dùng chữa sốt rét mới bị hay đã lâu ngày, lão đờm tích ẩm dẫn tới đờm đi lên sinh nôn mửa.
Cây thường sơn là một vị thuốc được dùng từ lâu đời trong đông y để chữa bệnh sốt rét (sốt rét thường hay sốt rét ác tính) rất có hiệu quả. Còn dùng chữa sốt thường. Tuy nhiên nhược điểm của thường sơn là gây nôn. Những ancaloit lấy ra cũng gây nôn.
Trong nhân dân thường có nói muốn bớt nôn cần rửa lá bằng rượu rồi mới dùng nhưng chúng tôi đã có dịp rửa rượu rồi mà vẫn gây nôn.Thường khi dùng thường sơn, phối hợp với nhiều vị thuốc khác ít nôn hơn.
Đơn thuốc chữa sốt rét từ cây thường sơn (Mang tính chất tham khảo):
- Chữa các chứng sốt rét: Thường sơn 6g, binh lang 2g, thảo quả 1g, cát căn 4g, nước 600ml. Sắc còn 200ml, chia làm 3 lần uống trong ngày. Theo kinh nghiệm hễ sốt nhiều rét ít thì tăng liều cát căn lên tới 10g; nếu rét nhiều hơn sốt thì tăng liều thảo quả lên tới 3-4g. Đơn thuốc này ít gây nôn.
- Chữa sốt rét và sốt thường (Thường sơn cam thảo thang): Rễ thường sơn 10g, cam thảo 3g, nước 600ml, sắc còn 200ml, chia làm 3 lần uống trong ngày. Đơn này dễ gây nôn.
- Cao thường sơn chữa sốt rét: Rễ thường sơn 12g, binh lang 12g, miết giáp 12g, ô mai 3 quả, táo đen 3 quả, cam thảo 3 miếng. Thêm nước vào sắc kỹ, lọc và cô đặc còn 3g. Người lớn uống ngày 1-2 lần, mỗi lần 3g. Toàn liều điều trị chứng 12-18g là khỏi. Đơn thuốc này không gây nôn.
Một số hình ảnh tham khảo về cây thường sơn:
Tags: cây thường sơn,cây thường sơn chữa sốt rét,công dụng của cây thường sơn,cây thường sơn chữa bệnh,tác dụng của cây thường sơn,cây khởi tía,cây tê quân,cây nam thường sơn,cây bạch thường sơn,cây thường sơn tía,cây hoàng thường sơn,cây thực tất,cây áp niệu thảo,cây kê niệu thảo,Dichroa febrifuga Lour.,họ Tú cầu,họ Thường Sơn,Hydrangeaceae,.
Xem thêm
Bình luận trên facebook